Nhận xét Hướng dẫn cách lựa chọn linh kiện để lắp ráp PC chuẩn nhất. là chủ đề trong content hôm nay của Cửu Kiếm. Đọc nội dung để biết chi tiết nhé.
Ngay cả khi bạn biết cách build một PC thì đó cũng chỉ là một nửa câu chuyện. Phần còn lại chính là nằm ở việc tìm kiếm các linh kiện tốt nhất cho PC của bạn như card đồ họa, board mạch chủ, vi xử lí, RAM,.. Trong bài viết này, 9kiem.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu một cách rõ ràng cách chọn linh kiện để lắp ráp PC nhé.
- Tiết kiệm được chi phí
- Phù hợp với nhu cầu làm việc, học tập hay chơi game
- Thỏa niềm đam mê, sáng tạo khi tự tay build cho mình một dàn PC “độc” và “chất”
Dưới đây sẽ là một vài gợi ý để có thể giúp bạn trong việc tự lựa chọn cho mình một dàn PC đảm bảo các yếu tố về giá thành, hiệu năng và nhu cầu.
1Ngân sách
Hiệu suất làm việc của PC chủ yếu phụ thuộc vào chi phí và nhu cầu của người dùng.
Trên thực tế, ngân sách của bạn phải chính là yếu tố quyết định hàng đầu khi build một chiếc máy tính. Bạn sẵn sàng bỏ bao tiền để mua máy tính? Và nhu cầu của bạn là gì? Học tập, giải trí hay chơi game? Chỉ khi bạn xác định được mục đích thì việc lựa chọn sẽ dễ dàng hơn.
Ví dụ như để phục vụ cho việc học tập, bạn chỉ cần một chiếc máy tính có thể soạn thảo văn bản như Word, Excel,… hay xem video, lướt Web. Với nhu cầu này bạn chỉ cần một chiếc PC có cấu hình CPU Core i3 hoặc hơn tí nữa là i5, RAM 4G, chip đồ họa Intel HD Graphics 4200 là đủ.
Còn với máy tính chơi game thì giá thành sẽ cao hơn, đòi hỏi khả năng xử lí những tác vụ nặng, đồ họa trong game. Với những máy tính để chơi game thì cần có cấu hình khủng, CPU i5 hoặc i7, card đồ họa rời của NVIDIA hoặc AMD. RAM 8G trở lên, ổ cứng HDD kèm theo ổ SSD để tăng tốc độ truy xuất dữ liệu.
Khi đã quyết định được ngân sách, bạn có thể nâng cấp những phần cứng quan trọng khác để nâng cao hiệu suất tổng thể.
2Bộ vi xử lí
Được xem là bộ não của cả hệ thống, bộ vi xử lí (CPU ) là lựa chọn đầu tiên khi bắt đầu build PC. AMD hay Intel là 2 nhà sản xuất và cung cấp chip hàng đầu hiện nay, bạn nên cân nhắc việc lựa chọn mua vi xử lí của hãng nào là tối ưu nhất.
Việc lựa chọn sẽ quyết định xem có phù hợp với ngân sách của bạn không. Chip AMD Athlon cũng như những con chip Pentinum và Celeron của Intel thì có giá cả phải chăng, chạy được hầu hết các chương trình ứng dụng, giải trí với tốc độ xử lý trung bình.
Trong khi đó các CPU như Intel Core và AMD Ryzen thì phục vụ cho thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí những tín đồ công nghệ và người dùng chuyên nghiệp.
Hiện nay, hầu hết các CPU đều có nhiều nhân và nhiều luồng xử lí đồng nghĩa với khả năng thực hiện đồng thời nhiều tác vụ cùng một lúc.
Ví dụ bạn thích Intel thì có thể chọn Core i5 hay AMD thì chọn Ryzen R5 cho máy tính có nhu cầu chơi game với mức độ trung bình. Nếu bạn chọn một cấu hình chip quá cao so với nhu cầu thì sẽ kéo theo nhiều chi phí khác như giá của CPU, lắp thêm quạt tản nhiệt, đồng thời cũng phải tăng thêm nguồn để cung cấp cho CPU.
Chú ý khi mua CPU là bạn phải xem số lượng chân cắm có tương thích với Socket trên Mainboard hay không.
3Bo mạch chủ
Nếu CPU được xem như là bộ não, thì bo mạch chủ được ví như là 1 hệ thần kinh. Bo mạch chủ sẽ giúp kết nối các thiết bị trong máy tính thành 1 khối thống nhất.
Bo mạch chủ có nhiều kích thước khác nhau. ATX là kích thước lớn nhất, cung cấp nhiều không gian nhất các cổng kết nối và khe cắm. Micro-ATX có kích thước ngắn hơn 2.4 inch, hỗ trợ ít khe cắm mở rộng hơn. Mini-ITX là cho những máy tính xách tay, nhỏ gọn. Bên cạnh ATX thì BTX cũng là một chuẩn mới xuất hiện.
Một số lưu ý khi chọn Mainboard:
- Nên lựa chọn CPU và mainboard đảm bảo sao cho cả 2 phù hợp với nhau. Ví dụ như bạn dự định dùng CPU Intel loại LGA 1151 thì hãy chọn main hỗ trợ LGA 1151
- Có hỗ trợ Overclock cho CPU hay không
- Chọn mainboard phù hợp với nhu cầu như số khe cắm RAM, card WiFi, card âm thanh, ổ cứng SATA, DVD, các cổng kết nối I/O
- Chọn kích thước bo mạch chủ tương thích với case máy tính
- Khả năng mở rộng hoặc nâng cấp về sau
- Cẩn thận khi thao tác, lắp linh kiện trên mainboard
4Card đồ họa
Đây là thành phần tốn khá là nhiều chi phí.
Nếu bạn có nhu cầu về đồ họa hay chơi game thì việc lựa chọn card đồ họa cũng không kém phần quan trọng. Có hai loại card đồ họa đang được sử dụng trên máy tính bao gồm card được tích hợp (onboard) và card VGA rời.
Với nhu cầu học tập, làm việc văn phòng bình thường thì có thể sử dụng card onboard. Trong khi đó, card đồ họa rời là thành phần quan trọng mà các game thủ đều phải cần trang bị nếu muốn chơi những tựa game nặng.
Yếu tố để đảm bảo việc chơi game mượt mà nằm ở tốc độ khung hình.Tốc độ khung hình được đo bằng số khung hình trên mỗi giây (FPS). FPS càng cao, trải nghiệm chơi trò chơi càng tốt. Nếu tốc độ khung hình thấp hơn 60 fps sẽ xảy ra hiện tượng giật lag.
Card đồ họa cũng có 2 ông lớn là NVIDIA và AMD. Mỗi hãng thì cũng có nhiều dòng khác nhau, ví dụ như NVIDIA có GeForce GTX 1660 GTX1660Ti, cả 2 có hiệu suất sánh ngang với GeForce GTX 1070. AMD thì có Radeon RX Vega 64, Vega 54 và RX 580, các VGA này cung cấp hiệu năng đồ họa tốt hơn khi thực hiện các tác vụ nặng như xem phim HD, 4K, chỉnh sửa hình ảnh và video hoặc chơi những tựa game phổ biến hiện nay.
Nếu bạn muốn chơi game 4K thì bạn có 2 sự lựa chọn tối ưu nhất: RTX 2080 hoặc RTX 2080 Ti. Về lý thuyết, Radeon VII và RTX 2080 gần như ngang bằng nhau nhưng xét về độ ồn thì RTX yên tĩnh hơn. Và giá của RTX cung không hề rẻ chút nào, 1000 USD cho phiên bản thấp nhất.
5RAM
RAM thì không cần phải lựa chọn nhiều. Hiện tại trên thị trường phổ biến nhất là DDR3 và DDR4. RAM sẽ giúp bạn truy cập vào các phần mềm, tựa game một cách nhanh nhất, hỗ trợ chạy đa tác vụ.
8GB RAM là đủ dùng thoải mái cho các game thông thường. Nếu chỉnh sửa video, chơi game đồ họa cao, dùng máy ảo thì mình khuyên bạn nên sử dụng 16GB RAM trở lên.
Lưu ý số khe cắm RAM trên bo mạch chủ để có thể biết được board hỗ trợ nâng cấp tối đa bao nhiêu GB RAM. Và hãy kiểm tra mainboard có hỗ trợ tốc độ bus cao nhất của RAM hay không để tránh gây lãng phí. Ví dụ bo mạch chủ chỉ hỗ trợ 2800MHz sẽ giới hạn tốc độ xung nhịp RAM 3200MHz xuống còn 2800MHz.
6ROM
Ổ cứng lưu trữ phổ biến nhất là HDD, tuy nhiên xu hướng hiện nay thì việc tích hợp thêm ổ cứng SSD để tăng tốc độ truy xuất dữ liệu là một điều cần thiết. HDD có giá thành rẻ, tốc độ ghi/ đọc chậm và dễ hỏng hóc. SSD sử dụng chip nhớ nên bền hơn, tốc độ ghi/ đọc vượt trội, có kích thước nhỏ gọn, cao cấp hơn HDD nhưng giá thành thì hơi cao.
Cấu hình phổ biến được nhiều người dùng trang bị trên PC đó chính là sử dụng một ổ SSD 128 GB cùng với một ổ cứng HDD có dung lượng 1 TB. SSD dùng để cài đặt hệ điều hành, HDD thì để chứa dữ liệu. Sự kết hợp này giúp khởi động máy tính, tải ứng dụng nhanh, shutdown,… một cách nhanh chóng.
SSD có 2 chuẩn giao tiếp là SATA và PCI Express. SATA là một giao thức cũ hơn với hiệu năng ổn định, trong khi đó NVMe mới hơn và sử dụng các cổng giao tiếp PCI Express để tăng băng thông.
NVMe cũng có độ trễ thấp có nghĩa là nó có thời gian đáp ứng nhanh hơn. Ví dụ như SSD Samsung 970 Pro hết sức mạnh mẽ khi sở hữu tốc độ đọc lên tới 3.500 MB/s, tốc độ ghi là 2.500 MB/s, 500K đọc ngẫu nhiên IOPS và 480K ghi ngẫu nhiên.
Nếu có điều kiện, bạn hãy mua một ổ SSD có dung lượng lớn nhé.
7Nguồn cung cấp điện
Nguồn là trái tim của cả hệ thống vì nó chịu trách nhiệm cung cấp nguồn điện ổn định giúp máy tính hoạt động hiệu quả và bền bỉ. Nếu bạn có ý định tìm một bộ nguồn giá rẻ để tiết kiệm thì đây không phải là một ý tưởng tốt. Vì vậy bạn hãy lựa chọn nguồn từ các hãng cung cấp có uy tín.
Nhưng nguồn bao nhiêu Watt là đủ? Cấu hình PC càng cao thì đòi hỏi watt càng nhiều. Ví dụ, card đồ họa NVIDIA GTX 1080 Ti cần ít nhất 600W, còn card GT 950 chỉ cần 150W. Khi mua nên chọn có công suất đầu ra thực cao hơn tổng công suất dàn máy tiêu thụ từ 100-150W (tùy dòng máy) để có thể nâng cấp thêm, đồng thời cũng tránh việc nguồn phải làm việc liên tục trong thời gian dài.
Khi mua nên chọn nguồn có đạt chuẩn 80 Plus trở lên. Tiêu chuẩn 80 Plus có nghĩa là tỷ lệ điện năng chuyển đổi từ AC sang DC đạt hơn 80% và chia làm các cấp bậc: 80 Plus, 80 Plus Bronze, Silver, Gold, Platinum và Titanium là cao cấp nhất. Cấp bậc càng cao thì khả năng chuyển đổi càng cao, giúp giảm sự thất thoát, lãng phí điện năng.
Để xác định cấu hình máy của bạn cần bao nhiêu Watt, bạn có thể vào website này: https://pcpartpicker.com/ điền thông tin cấu hình máy của bạn vào, website sẽ tính toán cấu hình đó cần bao nhiêu Watt.
8Hệ thống tản nhiệt
Bộ tản nhiệt sinh ra để làm mát hệ thống. Một PC khi thực hiệp nhiều tác vụ nặng sẽ sinh ra nhiều nhiệt. Một số CPU trang bị quạt tản nhiệt đi cùng, nhưng có một số khác lại không. Bộ làm mát CPU chia thành hai loại chính: bộ làm mát không khí và bộ làm mát bằng chất lỏng.
Làm mát không khí là sử dụng quạt để đẩy luồng không khí vốn đã bị làm nóng lên bởi sự tỏa nhiệt của các thiết bị phần cứng ra không gian bên ngoài. Hệ thống làm mát không khí có ưu điểm tiết kiệm chi phí hơn và dễ dàng lắp đặt, trong khi đó hệ thống làm mát bằng chất lỏng tản nhiệt tốt hơn nhưng lại có mức giá đắt cũng như quá trình lắp ráp phức tạp hơn.
Ngoài ra, bạn cần kiểm tra CPU và kích thước của case phù hợp với loại tản nhiệt nào. Còn có tản nhiệt cho RAM, tản nhiệt VGA… và nhiều thể loại khác để tăng cường sự hoạt động ổn định của hệ thống. Đó là chưa kể đến các bộ tản nhiệt thường có thêm đèn led và các tính năng thẩm mỹ khác, vừa tản nhiệt vừa làm đẹp cho cả hệ thống.
Đây là những phần cứng quan trọng để tạo nên một máy tính, còn một số linh kiện như case máy tính, màn hình, chuột, bàn phím,… các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé. Nếu như bạn không có nhiều thời gian để tự build cho mình một PC hoàn chỉnh thì có thể lựa chọn phương án khác đó là mua máy tính nguyên bộ có sẵn trên thị trường và nâng cấp sau.
Hy vọng với những hướng dẫn cơ bản này sẽ giúp bạn trong việc lựa chọn những linh kiện để có thể tự build cho mình một PC. Bước tiếp theo là lắp ráp các linh kiện lại với nhau. Lưu ý trước khi bắt tay vào việc lắp ráp, hãy kiểm tra lại từng linh kiện để chắc rằng chúng tương thích với nhau nhé.